Phản ứng chính quyền Đức Vụ Trịnh Xuân Thanh trở về Việt Nam

Theo báo TAZ, chính phủ Đức ban đầu còn dùng biện pháp ngoại giao gởi tối hậu thư đòi chính quyền Việt Nam phải trả người bị bắt cóc cho đến ngày 2 tháng 8. Chiều ngày 2 tháng 8 khi việc này không xảy ra, bộ ngoại giao mới lên tiếng tại cuộc họp với báo chí của chính phủ.[27] Qua đó phát ngôn viên ngoại giao cho là "Có sự tham dự của các cơ quan Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam ở Đức trong vụ bắt cóc này" và việc này là "hành động vi phạm luật pháp Đức và luật pháp quốc tế một cách trắng trợn và chưa từng có tiền lệ." và "Vụ việc như thế này có thể ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng tới quan hệ giữa Đức và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam." Bài phát biểu được đăng bằng cả tiếng Việt lên trang mạng của tòa đại sứ Đức ở Việt Nam (Các cơ quan đại diện Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam) [28][36] Bộ ngoại giao Đức đã triệu tập đại sứ Việt Nam tại Đức vào ngày 1 tháng 8 và tuyên bố tùy viên anh ninh (chính thức đăng ký là bí thư thứ 1) của tòa đại sứ, Nguyễn Đức Thoa, cán bộ Tổng cục Tình báo Việt Nam, là "persona non grata". Ông ta phải rời khỏi Đức trong vòng 48 tiếng. Ngoài ra, Đức sẽ xem xét về các biện pháp chính trị, kinh tế và viện trợ phát triển.[37]

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel hôm thứ Sáu 4 tháng 8, trong một cuộc họp báo, tuyên bố Đức đang cân nhắc các biện pháp trả đũa Việt Nam vì cáo buộc Hà Nội bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin, nói là sẽ không dung thứ và không thể dung thứ việc đó. Nói về việc một tùy viên tình báo Việt Nam bị đuổi về nước, ông Gabriel cho biết: "Chúng tôi đòi hỏi ông ta ra đi vì chúng tôi rất tin rằng ông ta liên quan vụ bắt cóc." "Không có chi tiết gì trái ngược giả thuyết này. Mọi thứ đều ủng hộ giả thiết rằng ông ta, cùng sự giúp đỡ của mật vụ Việt Nam và dùng nơi ở của ông ta tại sứ quán Việt Nam tại Đức, đã bắt cóc một người đã xin tị nạn," [14][38][39]

Martin Patzelt, đại biểu quốc hội của Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) bày tỏ: "Việc bắt cóc thật là kinh hoàng. Nếu Việt Nam muốn hòa nhập với các quốc gia văn minh, họ phải tôn trọng nhân quyền." [40]

Hôm thứ Tư ngày 9 tháng 8, Bộ Ngoại giao Đức lại tiếp tục cho hay là Bộ đang cân nhắc các bước cần thiết sau khi Việt Nam không hồi đáp yêu cầu của Berlin, đòi Việt Nam trả ông Trịnh Xuân Thanh về lại nước Đức.[41]

Ngày 12 tháng 08 năm 2017 báo SZ cho biết, đại biểu quốc hội Burkhard Lischka, phát ngôn viên về chính trị nội vụ của khối nghị viên đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) bày tỏ: “Theo quan điểm của tôi cần thiết phải trục xuất thêm nhiều nhân viên mật vụ tình báo Việt Nam và đóng băng các khoản tiền viện trợ hợp tác phát triển.“ Dân biểu Jürgen Hardt, phát ngôn viên về ngoại giao của khối nghị viên đảng Dân Chủ Thiên chúa giáo (CDU) đòi hỏi có các biện pháp chung của khối EU, chẳng hạn như trục xuất thêm... nhưng những biện pháp chế tài không nên làm hại đến người dân Việt Nam.[42]

Thông cáo báo chí ra ngày 24 tháng 8 của Tổng Công tố viên Liên bang Đức về Lệnh bắt giam vì hoạt động gián điệp và trợ giúp cưỡng đoạt tự do, cho biết, theo kết quả điều tra cho đến nay nghi can Nguyễn Hải Long 46 tuổi đã đích thân lái chiếc xe từ Praha đến Berlin vào ngày 20 tháng 07 năm 2017 tức là 3 ngày trước khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc.[43]

Hệ quả

Thời kỳ băng giá mới giữa Berlin và Hà Nội đã có những tác động cụ thể. Theo thông tin của báo TAZ, ông Joachim Nagel, Đặc mệnh toàn quyền (Generalbevollmächtigte) và là thành viên tương lai của Ban Giám đốc Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) đã hủy bỏ chuyến đi thăm Việt Nam được lên kế hoạch cho tuần này. Khi được hỏi, phát ngôn viên KfW cho biết „thời điểm này không thích hợp“. KfW phụ trách việc cho các nước đang phát triển vay tiền với lãi suất ưu đãi. Việc cho vay này là một phần lớn trong viện trợ phát triển cho Việt Nam.

Trong đàm phán giữa hai chính phủ trong tháng 5 mới đây, Chính phủ Đức đã hứa viện trợ cho Việt Nam khoảng 160 triệu Euro cho 2 năm tới với trọng tâm là dạy nghề và trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong năm 2016, Đức đã có cam kết viện trợ 520 triệu Euro cho các dự án trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và cải cách thị trường điện.[44]

Ngày 22 tháng 9 trong cuộc họp báo Liên bang về vụ Trịnh Xuân Thanh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức cho biết, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh của Việt Nam đã gửi một bức thư hồi đáp cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel để giải thích về vụ việc Trịnh Xuân Thanh. Do phía Việt Nam không thừa nhận việc vi phạm pháp luật, phía Đức đã mời Đại sứ Việt Nam tại Đức tới Bộ Ngoại giao để thông báo về việc đình chỉ đối tác chiến lược trong ngày 21 tháng 9. Ngoài ra Bộ Ngoại giao Đức đã ra lệnh trục xuất một cán bộ ngoại giao của Việt Nam ở Berlin, với thời hạn 4 tuần để thu xếp rời khỏi nước Đức.[1][2]

Hệ lụy

Spiegel Online ngày 10.8 cho hay, người được cho là chuyên gia luật Hồ Ngọc Thắng, làm việc cho sở tị nạn Berlin từ năm 1991 đã bị cho ngưng việc, vì bài viết của ông trên Facebook. Vì sợ ông có thể đã xem được các hồ sơ tị nạn, cơ quan này cũng đã yêu cầu Cục tình báo liên bang Đức (BND) vào cuộc điều tra. Ông Thắng là người viết trên trang Facebook của giám đốc truyền thanh Việt Nam "Voice of Vietnam" cho là "các cơ quan Đức không có thể đưa ra bất kỳ một bằng chứng nào cho thấy ông Trịnh Xuân Thanh bị “bắt cóc“." và "Tuyên bố của Bộ NG Đức chủ yếu dựa vào phát biểu của bà LS đại diện cho Trịnh Xuân Thanh" cũng như "Tôi tin rằng, vài ngày nữa, chậm nhất vài tuần, sự kiện Trịnh Xuân Thanh sẽ chìm trong sự lãng quên. Cũng chẳng hay ho gì cho Nhà nước Đức, nếu ai đó nhắc lại vụ việc này." [45] Một ngày trước đó, ông Martin Knobbe và Wolf Wiedmann-Schmidt phê bình trên báo Spiegel: " Ông ta đánh giá vụ việc này một chiều và hoàn toàn theo hướng của chính phủ Việt Nam." [46]

Cơ quan Liên bang Đức về nhập cư và tị nạn (BAMF), một cơ quan của Bộ Nội vụ Liên bang Đức, đã ra quyết định chính thức sa thải Hồ Ngọc Thắng kể từ ngày 01.09.2017. BAMF cho biết, các nhân viên đều bị ràng buộc bởi các nghĩa vụ trung thành và trung lập, nếu vi phạm thì có thể bị đuổi việc.[47]

Ảnh hưởng đến cuộc tổng bầu cử liên bang

Các đảng đối lập nhân cơ hội này, đã đưa vấn đề an ninh tại nước Đức vào chương trình tranh cử, ông Christian Lindner, Chủ tịch FDP đã đưa ra cương lĩnh với phương châm: „Chúng ta phải tư duy lại: An ninh phải được tổ chức tốt hơn là tội phạm“. Đáp lại, đương kim Thủ tướng Đức bà Angela Merkel đồng thời là Chủ tịch đảng CDU vẫn tỏ rõ quyết tâm giữ vững ổn định cho nước Đức với khẩu hiệu: „Vì một nước Đức mà ở đó chúng ta sống tốt và thích sống“.[48]

Hoạt động tư pháp Đức

Ngày 7.3.2018, Tổng Công tố viên Liên bang Đức Karlsruhe khởi tố Nguyễn Hải Long 47 tuổi. Long bị nghi ngờ có tham dự vào cuộc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và người phụ nữ đi chung với ông ta. Long được cho là đã mướn một xe tải ở Praha, được dùng trong vụ bắt cóc và bị cáo buộc hoạt động gián điệp và trợ giúp cưỡng đoạt tự do.[49]

Ngày 14 tháng 3 năm 2018,Truyền thông Đức, đưa tin cơ quan công tố liên bang Đức đang tiến hành điều tra Trung tướng Đường Minh Hưng, phó tổng cục trưởng Tổng cục An Ninh, Bộ Công an Việt Nam, người bị cho là trực tiếp chỉ huy vụ bắt cóc vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh tại Berlin. Ông Hưng có mặt tại Berlin trong thời gian xảy ra vụ bắt cóc và đã gọi hơn 100 cuộc điện thoại di động và gửi các tin nhắn cho những đối tượng khác cùng tham gia vụ bắt cóc để điều phối hoạt động.[50]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Vụ Trịnh Xuân Thanh trở về Việt Nam http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40790917 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40816890 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40893673 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43393346 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43888056 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43949432 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43963258 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43963265 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43994004 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44027113